Chẩn đoán sai lỗi ô tô do dùng thiết bị không phù hợp khiến nhiều gara mất khách, sửa mãi không xong. Máy chuyên hãng thì đắt đỏ, giới hạn xe; còn máy chẩn đoán đa năng lại hỗ trợ nhiều dòng xe, phát hiện lỗi nhanh, chuẩn xác. Hãy cùng Ascom tìm hiểu những tính năng của dòng thiết bị này giúp thợ tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Những tính năng cơ bản của máy chẩn đoán ô tô
Máy đọc lỗi ô tô là một thiết bị chuyên dụng giúp chẩn đoán và phát hiện các sự cố kỹ thuật trên xe một cách nhanh chóng và chính xác. Thiết bị này kết nối trực tiếp với hệ thống điều khiển điện tử của xe, từ đó đọc và hiển thị các mã lỗi liên quan đến động cơ, hộp số, hệ thống phanh ABS,…. Dưới đây là những tính năng cơ bản của máy chẩn đoán ô tô.
Tự nhận số VIN
VIN (hay còn gọi là số khung) là từ viết tắt của Vehicle Identification Number, bao gồm 17 ký tự và được đánh số theo nhiều cách khác nhau. Đây chính là số định danh của từng chiếc xe, mỗi chiếc xe chỉ có duy nhất 1 số khung.
Tự nhận số VIN: Sau khi kết nối với xe thông qua cổng OBD thì máy chẩn đoán sẽ tự động nhận số VIN thay cho việc phải nhập thủ công để chẩn đoán. Việc nhận số VIN này cực kỳ quan trọng vì thông số này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về xe như hãng sản xuất, năm sản xuất, model, loại động cơ,…
Đọc xóa lỗi (History & Current Trouble code)
Cho biết xe đang bị lỗi gì, lỗi cũ (History) và lỗi hiện tại (Current). Sau khi sửa xong có thể xóa lỗi để kiểm tra lại. Lỗi History là lỗi đã xuất hiện ở trước đó (có thể xuất hiện lại – và thường được ghi chú lại), lỗi Current là lỗi hiện tại mà xe đang gặp phải
Lỗi được hiển thị dưới dạng mã lỗi: “Xabcd:…………………”.
Trong đó: “X” là ký tự dạng chữ cái viết hoa, “abcd” là ký tự dạng số, sau dấu hai chấm là định nghĩa lỗi theo quy ước dưới đây:
- Chữ cái đầu tiên “X” cho biết thành phần/hệ thống nào của xe bị lỗi.
- P = Hệ thống truyền lực
- B = Thân xe
- C = Khung xe
- U = Mạng lưới
- CHỮ SỐ ĐẦU TIÊN “a” (ĐỨNG SAU CHỮ CÁI ĐẦU TIÊN)
- Số đầu tiên trong bốn số sẽ là “0” hoặc “1”.
- 0 = Mã lỗi chuẩn hóa (SAE)
- 1 = Mã cụ thể của nhà sản xuất
- CHỮ SỐ THỨ HAI “b”
Chữ số thứ hai cho biết hệ thống nào của ô tô bị lỗi. Có tám loại khác nhau;
- 0 = Đo nhiên liệu và không khí và kiểm soát khí thải phụ trợ
- 1 = Đo nhiên liệu và không khí
- 2 = Đo nhiên liệu và không khí (mạch kim phun)
- 3 = Hệ thống đánh lửa hoặc cháy sai/bỏ máy
- 4 = Kiểm soát khí thải phụ trợ
- 5 = Hệ thống kiểm soát tốc độ xe & kiểm soát không tải
- 6 = Máy tính & mạch đầu ra
- 7 = Hộp số/hệ thống truyền lực
- SỐ THỨ BA VÀ THỨ TƯ “cd”
Các chữ số thứ ba và thứ tư chỉ được sử dụng để xác định mã lỗi chính xác được đề cập. Trong ví dụ ở đây, chúng ta có thể thấy rằng DTC là P0303:
- P = Lỗi thuộc hệ thống truyền lực (tính từ động cơ)
- 0 = Lỗi chuẩn hóa thuộc SAE
- 3 = Lỗi hệ thống đánh lửa hoặc đánh lửa sai/bỏ máy
- 03 – Bỏ máy trên xi lanh 3
Lưu ý: Mã lỗi này chỉ là phần mô tả kỹ thuật – nghe thì phức tạp, khó hiểu. Không cần phải đau đầu vì những mã lỗi khó hiểu đó. Máy chẩn đoán LAUNCH sẽ giải mã và giải thích chi tiết chỉ với một lần nhấn ENTER.
CODING và PROGRAMMING
Chức năng Coding & Programming chủ yếu dùng cho các dòng xe Châu Âu.
- Programming: Là quá trình nạp phần mềm hay nói một cách dễ hiểu là dữ liệu nền vào hộp điều khiển. Giữa các xe trên cùng một dòng xe thì chương trình Programming đều giống nhau.
- Coding: Là quá trình cấu hình, thiết lập tính năng, thông số vào hộp điều khiển để phù hợp với từng xe. Giữa các xe trên cùng một dòng xe thì có thể có sự khác nhau về Coding.
- Ví dụ: Tất cả các xe BMW i320 đời 2020 đều dùng chung phần mềm gốc nên Programming là giống nhau. Nhưng một số xe có xe tay lái bên trái, có xe tay lái bên phải.
→ Những điểm khác biệt này sẽ được cấu hình bằng Coding, để phần mềm hoạt động đúng với từng xe.
Việc Coding & Programming được dùng khi thay thế hộp điều khiển, và trong trường hợp sai Software thì tiến hành Programming, đúng Software thì tiến hành Coding. Có thể thực hiện Programming & Coding bằng máy chẩn đoán chuyên hãng hoặc máy chẩn đoán đa năng. Ví dụ như máy chẩn đoán đa năng LAUNCH X431 PRO3 OCP sở hữu tính năng Coding & Programming đang có mức giá khá tốt trên trị trường.
Xem dữ liệu động (Live Data)
Hiển thị các thông số khi xe đang hoạt động như tốc độ, nhiệt độ, áp suất lốp… Đây là chức năng giúp người sử dụng máy có thể xem các thông số hoạt động thực tế, trực tiếp của xe, từ đó có thể đưa ra các đánh giá về tình trạng hoạt động như: Nhiệt độ nước làm mát có ở trong mức cho phép không? Có hiện tượng bỏ máy hay không? Lượng nhiên liệu phun vào đang cao hay thấp? Điện áp ắc quy đang ở mức nào?…
Các thông số có thể xem được ở mục dữ liệu động:
Các thông số động cơ:
- Tốc độ vòng tua động cơ (RPM)
- Tải động cơ (%)
- Nhiệt độ nước làm mát
- Nhiệt độ khí nạp
- Áp suất nhiên liệu
- Thời gian đánh lửa (Ignition Timing)
- Tỷ lệ pha trộn nhiên liệu – không khí (Lambda)
- Vị trí bướm ga (Throttle Position Sensor – TPS)
- Áp suất khí nạp
- Cảm biến oxy trước và sau (O2 Sensor 1/2)…
Các thông số hệ thống điện:
- Điện áp ắc quy
- Dòng tiêu thụ của các ECU
- Trạng thái relay và cầu chì
- Trạng thái công tắc phanh, chân ga điện tử,…
Ngoài ra còn nhiều thông số khác…
Active test
Chức năng Active Test có khả năng điều khiển và kiểm tra nhiều cơ cấu và phần tử chấp hành trên ô tô, bao gồm:
- Van Solenoid: Active Test cho phép kiểm tra và kiểm soát các van solenoid trong hệ thống nhiên liệu, hệ thống truyền động, và hệ thống lái.
- Bơm và Quạt: Bơm xăng, bơm nước, quạt làm mát, và các bộ phận khác có thể được kiểm tra và kiểm soát để đảm bảo chúng hoạt động đúng cách.
- Hệ thống Điều Khiển Động Cơ: Active Test cho phép kiểm tra và điều chỉnh các thành phần trong hệ thống điều khiển động cơ như van bướm, hệ thống cung cấp nhiên liệu, và hệ thống làm mát động cơ….
Chức năng Active Test là tính năng để kiểm tra trực tiếp sự hoạt động của các hệ thống, từ đó có thể đưa ra các đánh giá về hư hỏng của các hệ thống đó. Chính vì vậy đây một công cụ mạnh mẽ giúp kỹ thuật viên chẩn đoán và sửa chữa các sự cố trên xe ô tô một cách hiệu quả, giúp duy trì hiệu suất và an toàn của xe.
Học lại cảm biến
Là quá trình thiết lập lại điểm gốc, thông số hoạt động hoặc phạm vi đo lường của một số cảm biến sau khi:
- Vệ sinh, thay mới, hoặc lắp lại cảm biến
- Thay đổi các linh kiện liên quan (như bướm ga, trục cam, cụm trợ lực điện, ABS…)
- Cập nhật phần mềm ECU hoặc reset hệ thống
- Việc học lại giúp ECU hiểu đúng và phối hợp chính xác với cảm biến, từ đó đảm bảo xe vận hành ổn định.
Một số cảm biến thường cần học lại bằng máy chẩn đoán:
- Cảm biến vị trí bướm ga (TPMS / TPS Relearn): Khi bướm ga bị dơ, vệ sinh hoặc thay mới, vị trí “đóng hoàn toàn” của bướm ga sẽ sai lệch → cần học lại để ECU nhận diện chính xác điểm đóng/mở. Nếu không học lại: xe có thể rung, ga không đều, hụt ga hoặc không nổ máy.
- Cảm biến vị trí trục khuỷu và trục cam (CKP / CMP Relearn): Sau khi điều chỉnh dây cam, thay cảm biến → cần học lại mối quan hệ giữa trục cam và trục khuỷu, nếu không học lại: ECU nhận sai thời điểm đánh lửa, có thể gây lỗi “misfire” hoặc nổ không đều.
- Cảm biến góc lái (Steering Angle Sensor – SAS Relearn): Cần học lại sau khi cân chỉnh độ chụm, thay cụm lái hoặc hệ thống cân bằng điện tử. Nếu không học lại: hệ thống cân bằng điện tử ESP, ABS có thể hoạt động sai lệch.
- Cảm biến áp suất lốp (TPMS Relearn): Sau khi thay lốp, thay cảm biến hoặc đảo lốp → cần học lại vị trí và ID cảm biến từng bánh. Nếu không học lại: xe báo sai vị trí lốp non hoặc không hiển thị dữ liệu áp suất.
Back up và Restore Data
Sao lưu và nạp lại dữ liệu vào hộp ECU khi thay thế hoặc sửa chữa mà không cần Internet. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi bạn cần thay mới một hộp ECU trên xe, thì bạn sẽ thực hiện việc đọc và lưu dữ (Backup Data) liệu của hộp ECU cũ vào máy chẩn đoán, sau đó tiến hành nạp lại (Restore Data) vào hộp ECU mới.
Sơ đồ khối mạng CAN
Hiển thị sơ đồ khối mạng CAN trên máy chẩn đoán giúp kỹ thuật viên nhanh chóng xác định và phân tích các lỗi trong hệ thống điện tử của xe. Sơ đồ trực quan hiển thị các ECU và kết nối CAN, cho phép kiểm tra trạng thái hoạt động và mã lỗi. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác chẩn đoán, và cải thiện hiệu quả sửa chữa.
Kết luận
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về chức năng và công dụng của máy chẩn đoán ô tô. Đây là một thiết bị không thể thiếu trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa xe hiện đại. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn nắm bắt kiến thức hữu ích và ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, liên hệ ngay với Ascom để được giải đáp nhanh chóng.